Tại sao da ghế massage của bạn nhanh bị rách?

01/07/20250 lượt đọc

Da ghế massage thường sẽ bị rách theo thời gian nhưng nếu bạn mới thay da ghế massage được ít ngày mà đã xuất hiện các vết rách, từ nhỏ đến lớn, thì nguyên nhân là do đâu?

1. Da ghế chất lượng kém

Nếu chỉ mới thay da ghế massage ít ngày mà đã xuất hiện dấu hiệu bục, rách thì bạn nên nghi ngờ chất lượng da đầu tiên. Da ghế massage có thể là da giả hoặc da tự nhiên, tùy thuộc vào sở thích cũng như điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Da giả thường sẽ sử dụng được lâu hơn da tự nhiên nhưng tuổi thọ trung bình của cả hai loại là khoảng 5-7 năm. Người dùng có thể yêu cầu thay da ghế massage sau 3-5 năm sử dụng.

Tuy nhiên, nếu thời gian sử dụng của bạn chỉ tính bằng tháng hoặc 1, 2 năm thì cần phải xem xét lại chất lượng. Không phải dịch vụ thay da ghế massage nào cũng đảm bảo uy tín và sẵn sàng thay cho thiết bị của bạn loại da chất lượng tốt nhất.

Tốt nhất là bạn nên trang bị cho bản thân những kiến thức nhất định về da ghế massage để có thể nhận biết da chất lượng tốt hay không tốt. Nếu không, hãy lựa chọn tìm kiếm và lựa chọn các cơ sở thay da ghế massage chính hãng với các chính sách bảo hành, hậu mãi minh bạch và rõ ràng.

Da ghế chất lượng kém
Da ghế chất lượng kém

Đối với việc tìm kiếm cơ sở trên mạng, đừng vội liên hệ dịch vụ ngay lập tức mà hãy tìm hiểu quy trình làm việc cũng như các đánh giá của khách hàng đã sử dụng dịch vụ của họ. Và nếu có thể, bạn nên làm việc trực tiếp với cơ sở để làm việc với nhân viên tại đó.

2. Chăm sóc da không đúng cách

Để da ghế được bền lâu, người dùng cần chú ý vệ sinh và chăm sóc đúng cách. Có một số phương pháp vệ sinh da ghế massage bạn có thể tham khảo như: dùng máy hút bụi, lau chùi bằng hỗn hợp tự nhiên như nước cốt chanh, giấm trắng, tinh dầu…

Khi vệ sinh ghế massage, tuyệt đối không sử dụng các loại vật dụng sắc nhọn, thô ráp để cọ. Bạn có thể sử dụng thêm các loại thuốc nhuộm chuyên dụng khôi phục màu sắc da nếu thấy da bị nhợt nhạt, mất màu.

Lưu ý khi sử dụng ghế massage, không nên biến ghế thành nơi để đồ của bạn và gia đình. Để đồ lên ghế, đặc biệt là đồ vật, dụng cụ có khối lượng lớn lên ghế không chỉ làm da ghế bục nhanh hơn, giảm tuổi thọ của da mà còn khiến các bộ phận, linh kiện bên trong ghế chịu áp lực lớn và hư hỏng nhanh chóng. Các sự cố xảy ra bên trong thường sẽ khó phát hiện nhưng nếu hư hỏng, bạn gần như không thể tự sửa ghế massage tại nhà.

Bạn cũng nên tránh đặt ghế ở nơi có ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp hoặc đặt gần các nguồn phát nhiệt bởi nhiệt độ cao sẽ làm giảm tuổi thọ của da, khiến da nhanh khô cứng, nứt nẻ và dần dần sẽ bị bục, rách.

Nếu không có nhu cầu sử dụng ghế trong thời gian dài, bạn cần mua các loại bọc, phủ nội thất để bảo quản ghế. Đồng thời, đặc biệt chú ý chăm sóc ghế vào những ngày thời tiết khắc nghiệt như nắng nóng gay gắt hoặc nồm ẩm kéo dài.

3. Nhà có vật nuôi

Nếu nhà bạn nuôi mèo hoặc chó, cún cưng của bạn có thể chính là “thủ phạm” khiến ghế massage của bạn bị rách. Việc cào ghế thường sẽ do mèo gây ra. Mèo là loài động vật đặc biệt thích leo trèo và nhảy lên ghế để nghịch ngợm, cắn và cào da.

Tất nhiên không phải loài mèo nào cũng có sở thích như vậy nên khoan hãy vội mắng thú cưng của bạn. Bạn có thể nghĩ đến khả năng là do vật nuôi gây ra nếu các vết rách có hình dạng do móng vuốt gây ra, đồng thời, tình trạng này không chỉ xảy ra với da ghế massage mà còn với ghế sofa bằng da hoặc vải của gia đình.

Nhà có vật nuôi
Da ghế bị rách do vật nuôi trong nhà

Nếu chó, mèo nhà bạn đã từng có những hành vi tương tự với các thiết bị, đồ dùng gia đình khác thì khả năng cao các vết rách trên ghế massage cũng là do chúng gây ra

Để giải quyết vấn đề này, bạn nên mua bộ cào móng cho mèo nghịch và phải luôn chú ý đến vật nuôi trong gia đình để kịp thời nhắc nhở khi chúng có dấu hiệu muốn nghịch đồ dùng trong gia đình.

Ngoài ra, bạn cũng nên có thói quen bọc ghế khi không sử dụng. Việc này vừa giúp hạn chế những hư hại do vật nuôi gây ra, vừa giúp bảo quản ghế massage tốt hơn.

4. Ảnh hưởng bởi thời tiết

Điều kiện thời tiết bên ngoài ảnh hưởng nhiều tới chất lượng của da ghế. Như chúng tôi đã đề cập ở trên, trời nắng nóng gay gắt sẽ làm da ghế nhanh khô, cứng và dễ bị nứt toác. Trong khi đó, trời nồm ẩm, mưa nhiều lại dễ khiến da mốc, mềm mục và trở nên rời rạc.

Ngoài ra, sự chênh lệch nhiệt độ lớn cũng có thể khiến da bị giãn nở liên tục và lâu dần dẫn đến tình trạng rách nát. Nhưng các nguyên nhân từ thời tiết thường sẽ phải mất một khoảng thời gian mới có những tác động rõ rệt trên ghế massage của bạn.

Cách khắc phục và hạn chế những hư hỏng do điều kiện thời tiết gây ra là bảo quản thiết bị đúng cách:

  • Tránh ánh nắng trực tiếp. Nếu đặt ghế ở phòng khách, chúng tôi khuyên bạn nên sử dụng thêm rèm cửa hoặc tấm dán cửa sổ để hạn chế ánh nắng có thể xuyên qua và chiếu thẳng vào ghế massage.
  • Sử dụng máy hút ẩm: Vào những ngày nồm ẩm hoặc mưa nhiều, bạn nên sử dụng thêm máy hút ẩm để tránh nước lọt qua các khe hở và làm hư hỏng máy móc bên trong của thiết bị.
  • Tránh các thiết bị phát nhiệt: Vào mùa đông, mọi người thường sử dụng thêm các loại máy sưởi hay nhiều gia đình còn sử dụng lò sưởi. Đặt ghế massage tránh xa các thiết bị này và các thiết bị có khả năng phát nhiệt khác như tủ lạnh, ấm đun nước, máy sấy…

5. Trẻ nhỏ nghịch

Với tâm lý tò mò và hiếu kỳ, các em nhỏ có thể nghịch ngợm hoặc nhảy, đứng lên ghế massage để nô đùa, đặc biệt khi ghế massage không phải là thiết bị phổ biến và có ở mọi gia đình. Một số em còn có thể dùng các vật sắc nhịn tác động lên ghế khi không có sự giám sát của người lớn.

Hơn nữa, ghế massage là thiết bị điện tử với cơ chế hoạt động tương đối phức tạp. Nếu trẻ tò mò thì còn có thể bấm vào các nút bấm chức năng và khiến bản thân bị thương. Do đó, nếu gia đình bạn có trẻ nhỏ hoặc vào các dịp tụ họp gia đình, bạn nên chú ý để không cho các bé đến gần ghế massage.

Tham khảo từ: dienmayxanh.com

5/5 (1 bầu chọn)